Nhiều tiệm bánh mì tìm cách thay đổi thức ăn trong ổ bánh để tạo sự mới mẻ cho khách hàng. Hình ảnh chiếc tủ kính chất đầy thịt chả, dưa leo, hành lá đã trở thành biểu trưng của bánh mì Sài Gòn. Để trở thành món ăn chính thống trong dòng chảy văn hóa ẩm thực, một cuộc “cách mạng” cho món bánh mì đã diễn ra.
Tiệm bánh mì ăn liền
Học tập từ mô hình của những nước phát triển, bánh mì Sài Gòn bắt đầu gia nhập guồng máy sản xuất thức ăn nhanh kiểu Mỹ thay vì cách làm truyền thống như bao đời nay. Những tiệm bánh mì bán cho khách ăn liền được mọc lên tại các vị trí đắc địa thay chiếc tủ kính rong ruổi khắp nẻo đường. Quán bánh mì Ta (Lê Thánh Tôn, quận 1, TP HCM) nho nhỏ, xinh xinh được nhiều bạn trẻ biết tiếng. Bánh mì Ta trang trí màu sắc từ quán xá, đồng phục đến chiếc bao đựng bánh. Giá 11.000-13.000 đồng được coi là hợp lý với chất lượng vệ sinh và nhiều thịt, chả. Quán còn bán kèm nhiều món nước ép trái cây để khách có thể hạ nhiệt trong lúc ăn bánh mì. Ngán bánh mì, khách có thể mua bánh giò, bánh dày để đổi món.
Bánh mì Chop Chop trên đường Cống Quỳnh, quận 1 có mô tuýp thuần Tây. Một quầy bar ngăn cách hoàn toàn với bên ngoài bằng kính để khách an tâm chuyện vệ sinh. Khách cũng thích thú khi nhân viên sử dụng microphone trao đổi giống như các tiệm ăn nhanh trong phim nước ngoài. Ổ bánh mì Chop Chop không làm theo kiểu tạp phí lù, dàn trải thịt, chả như thường thấy. Các thành phần nhân được xếp trật tự trong ổ bánh để khách có thể cảm nhận vị ngon của riêng từng món chả, chà bông, thịt nguội…
“Ghiền” bánh mì tươi
Thật ra kiểu vừa ăn bánh mì vừa tán gẫu đã xuất hiện từ lâu. Nhưng nó đóng vai trò thứ yếu, chỉ là món ăn bán kèm tại các quán cà phê, điểm tâm. Gần đây, bánh mì mới “độc lập” có những quán quy mô cho riêng mình như các món ăn hủ tiếu, bún bò. Bánh mì Nam Sơn (quận 3, TP HCM) được xem là một trong những quán đi đầu trong dạng này. Tuy nhiên, với lượng người quá đông, mặt bằng giới hạn, khách cũng khó lòng “buôn chuyện” nên thường ăn vội vã rồi đi ngay.
Bánh mì Nguyên Sinh (đường Trần Đình Xu, quận 1) lại khác, theo gu Hà Nội như một tiệm giò lụa. Với kiểu thiết kế cũ từ nhiều năm trước, Nguyên Sinh có lượng khách riêng dành cho những người thích sự yên tĩnh. Khách vừa uống ngụm trà Bắc vừa nhâm nhi món bánh mì bò xốt vang hay giò thủ. Nhiều món ăn Bắc được bày bán để khách có thể thay đổi thực đơn thường xuyên.
Sự xuất hiện của quán bánh mì tươi (đường Mạc Đĩnh Chi, quận 1) đã tạo sự bứt phá cho món bánh mì quen thuộc. Quán được xây dựng đẹp, trang bị máy lạnh không kém các nhà hàng cao cấp. Giá cả mềm, không gian không nặng mùi thức ăn, dầu mỡ và trang trí đẹp nên nhiều người tìm đến. Nhất là giới trẻ có thể tổ chức một bữa ăn “hoành tráng” nơi đây với số tiền hạn hẹp. Không chỉ có ưu thế về hình thức, bánh mì tươi còn hút khách bởi ổ bánh mì đặc sản của riêng quán. Ổ bánh mì được sản xuất tại chỗ, đặc ruột, giòn tan không quá cứng như các loại thông thường. Mùi thơm đặc trưng của bánh khi còn nóng khiến nhiều người bị “ghiền”.
Bánh mì Sài Gòn không chỉ đổi thay ở hình thức, một cuộc chiến về chất lượng cũng diễn ra để giành khách giữa các cửa hiệu. Bánh mì kiểu Australia (đường Nguyễn Hải Tự, quận 1) với nhiều thịt, mùi vị riêng, giá “bèo”: 6.000 đồng/ổ. Trong khi đó, tiệm bánh mì Paris – Sài Gòn không chỉ có đặc trưng nhờ pa-tê mà còn bán nhiều loại bánh mì khác để thu hút nhiều khách hơn nữa.
(Theo Người Lao Động)