Trà Sữa – thức uống không chỉ gây nghiện cho lứa tuổi “ô mai”, mà còn khiến đông đảo người trưởng thành ưa thích. Dù là vào ngày hè oi bức hay mùa đông se lạnh, Trà Sữa vẫn là lựa chọn hàng đầu bởi hương vị đặc biệt, thơm ngon cùng sự biến tấu độc đáo của nó. Được thực khách ưa chuộng là thế, nhưng ít ai biết được rằng, Trà Sữa cũng có cả một hành trình “phát triển” để giữ vị trí “hot” trong những năm vừa qua.
Ai trong chúng ta cũng đều biết rằng, Trà Sữa là thức uống xuất phát từ Đài Loan. Nhưng không nhiều người biết được hoàn cảnh ra đời của loại thức uống “gây bão” này lại vô cùng giản dị: Khoảng năm 1980, “tiền thân” của Trà Sữa được ra đời tại cửa hàng trà Chun Shiu Tang với thực đơn phục vụ chỉ duy nhất món: trà đá. Vài năm sau, trong buổi họp nhân viên nhàm chán, Lin Hsiu Hui- nhân viên quản lý cửa hàng đã thêm pudding Fen Yang vào ly trà đá truyền thống của quán. Không ngờ, chính hành động tưởng như “nghịch dại” này đã khiến Chun Shiu Tang trở nên nổi tiếng và loại thức uống này trở nên thịnh hành vào thời bấy giờ.
Trà Sữa du nhập vào Việt Nam vào năm 2007, với vị béo, ngọt thanh cùng các loại topping giòn, dai mà Trà Sữa mang lại, đã nhanh chóng “đánh gục” các thực khách độ tuổi học sinh, sinh viên và trở thành trào lưu, gây sốt đến tận ngày nay khi loại thức uống này đã có mặt tại hơn 30 quốc gia trên toàn thế giới.
Không sai khi nói rằng Trà Sữa là loại thức uống “thị phi” nhất, bởi với độ “hot” mà Trà Sữa đem lại vẫn tồn tại không ít nghi vấn về tác hại của loại thức uống ngon mát này.
Thực tế, mấu chốt cơ bản và quan trọng nhất trong tất cả các món ăn/thức uống để đạt yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm nằm ở nguyên liệu. Khi lựa chọn nguyên liệu, ta cần chú ý đến nguồn gốc, xuất xứ, hạn sử dụng trước khi bắt tay vào thực hiện. Kế đến là việc kết hợp các nguyên liệu đó với nhau sao cho hài hòa và an toàn nhất. Từ hai việc trên, chúng ta đã ngăn chặn được sự độc hại của thực phẩm trước khi nạp vào cơ thể.
Nguyên liệu sạch và cách thực hiện hợp vệ sinh vẫn chỉ đạt 60% độ an toàn cho sức khỏe. 40% còn lại nằm ở cách ta hấp thụ món ăn/ thức uống đó. Cụ thể, nếu chúng ta ăn quá nhiều một món ăn nào đó chỉ vì đó là món “khoái khẩu” thì tác hại ngay trước mắt sẽ là khó tiêu, mệt mỏi. Lâu dài sẽ gây béo phì, nghiêm trọng hơn là nguy cơ mắc các bệnh đường ruột, dạ dày,.. Như vậy, bên cạnh việc lựa chọn những quán uy tín, an toàn làm “bến đỗ” mỗi khi thèm Trà Sữa, thì chúng ta nên uống Trà Sữa một cách điều độ, hợp lí để bản thân luôn khỏe mạnh và vui tươi.
Vậy, có hay không sự nguy hiểm khi hấp thụ Trà Sữa vào cơ thể? Và liệu rằng, Trà Sữa có phải là “tội đồ” gây hại cho sức khỏe thực khách? Trung tâm dạy nghề bánh Nhất Hương sẽ nhờ các bạn giải đáp cho câu hỏi này. Mong rằng các bạn sẽ theo dõi và ủng hộ fanpage, để trung tâm sẽ có thêm nhiều bài viết hữu ích tiếp theo.
Trần Phương Khanh