Chương trình đào tạo thợ bánh học nghề làm bánh mì đi hợp tác lao động tại Nhật Bản của công ty XKLĐ Việt Hà (Hà Nội)
Từ ngày 05/08/2014 đến hết ngày 18/08/2014, trong khuôn khổ hợp tác đào tạo giữa Nhất Hương Baker Love với công ty XKLĐ Việt Hà. Tại văn phòng Công ty Nhất Hương (Khu liên hợp thể thao Quốc Gia Mỹ Đình – Hà Nội) đã tổ chức khóa huấn luyện đào tạo thợ bánh học nghề làm bánh mì.
Chương trình học nghề làm bánh mì chuyên nghiệp dành riêng cho các học viên khóa đầu tiên của công ty XKLĐ Việt Hà. Giáo trình được xây dựng và thiết kế một cách bài bản, công phu, sát với thực tế tại Bakery.
Chương trình diễn ra trong 14 ngày, 8 giờ/ ngày bao gồm các học phần lý thuyết về dòng bánh nở nhờ men và các dòng bánh có liên quan, các lý thuyết về nguyên liệu trong nghề làm bánh mì như bột mì, men, các nguyên liệu phụ, các học phần về vệ sinh an toàn thực phẩm và HACCP trong nghề làm bánh.
Các học viên được đào tạo từ các kỹ năng cơ bản đến các kỹ xảo trong việc học nghề làm bánh mì.
Trong chương trình đào tạo và huấn luyện lần này, các học viên được dạy làm bánh mì gồm 4 dạng: bánh mì trắng, bánh mì sử dụng các loại ngũ cốc và trái cây khô, bánh mì có nhân. Theo đó các món bánh được chia ra nhóm chính: theo kiểu Âu và theo kiểu Á.
Dạy làm bánh mì theo kiểu Âu gồm hard bread như các món bánh mì Baguette Pháp truyền thống với bột cái, Ciabatta, Dark rye bread, Wholemeal bread, Multi-Grain bread và soft bread gồm Hamberger, Sandwich, Luxury roll, Fruit bread v.v…
Tiếp đó, các bạn học viên được học các loại bánh mì theo kiểu Việt Nam gồm có bánh mì cóc kiểu Việt Nam, các loại bánh mì mặn – ngọt như tổ cút, ngân tơ, bánh mì kẹp chà bông, bánh mì cua v.v…
Ngoài ra học viên được các giáo viên dạy làm bánh mì kết hợp các dạng bột nhào như kết hợp giữa Cookies với bánh mì ngọt, kết hợp bánh mì với bột nhào bánh choux, kết hợp bột nhào bánh Danish với bánh mì Sandwich theo xu hướng phát triển tại Nhật Bản và Đài Loan.
Điều quan trọng của chương trình học nghề làm bánh mì là giúp các bạn học viên hiểu rõ bản chất của việc làm ra các loại bánh mì như mong muốn, nhận thấy các lỗi sai trong suốt quá trình làm bánh mì, điều khiển được các yếu tố ảnh hưởng trong quá trình làm bánh mì và sáng tạo các kiểu bánh mì.
Sau cùng, các bạn học viên sẽ phải trải qua một ngày thẩm định tay nghề làm bánh mì sau khóa đào tạo 14 ngày vào ngày 18/08/2014.
Được biết sau khi hoàn thành khóa đào tạo thợ bánh mì, các bạn học viên của công ty Việt Hà sẽ đi hợp tác lao động tại các công ty sản xuất bánh mì ở Nhật Bản vào cuối năm nay.
Một số hình ảnh đang diễn ra tại văn phòng Nhất Hương Baker Love tại Hà Nội:
Tác giả bài viết: Thanh Tin