TRUNG THU – CHIẾC NÔI ÊM CỦA NGƯỜI CON ĐẤT VIỆT

Mùa thu dịu mát đã tô vẽ cho cảnh sắc thường ngày trở nên nhẹ nhàng, thơ mộng hơn. Có lẽ vì vậy nên con người ta cũng thi vị hơn khi nhấp môi vào tách trà và và bất giác mỉm cười khi nhớ về những kỉ niệm xưa cũ. Trong những hồi ức giản đơn và tươi vui ấy, tiếng cười và kỉ niệm ngày bé lại được bồi đắp thêm bởi các dịp lễ – tết, đặc biệt là Tết Trung Thu. Hôm nay, chúng ta tạm quên đi bao nỗi lo toan và mệt mỏi của hiện tại, hãy cùng thả lòng mình ngược theo dòng thời gian để nô nức với những phong tục, trò chơi đón mừng Tết Thiếu Nhi thuở bé.

  1. Rước đèn:

Chắc hẳn chúng ta vẫn vẹn nguyên cảm xúc thuở nhỏ khi nhớ đến việc rước đèn vào Rằm Tháng Tám? Ngày ấy, lồng đèn chạy pin là một món đồ chơi xa xỉ, chúng ta đã phải cần mẫn cắt, dán, tận dụng những lon sữa, vỏ hộp bánh, giấy thủ công,.. trong nhiều ngày để có được những chiếc đèn nhỏ xinh, nhiều màu sắc với hình dạng đáng yêu như ông sao, lục giác. Rằm Tháng Tám, mỗi người sẽ cầm thành quả của mình, hát những ca khúc thiếu nhi, hay các bài đồng dao truyền thống.

Bạn sẽ “oách” nhất hội bạn nếu được phân công đóng vai chị Hằng, thỏ ngọc trong đêm liên hoan và càng hãnh diện hơn nếu chiếc đèn “hand made” của mình đoạt giải nhất đúng không nào?.

  1. Múa lân – sư – rồng:

“Múa lân – sư – rồng là một môn nghệ thuật múa dân gian đường phố có nguồn gốc từ Trung Quốc, thường được biểu diễn trong các dịp lễ hội, đặc biệt là Tết Nguyên Đán và Tết Trung Thu, vì ba con thú này tượng trưng cho thịnh vượng, phát đạt, hạnh phúc, hanh thông…” (Wikipedia)

Đêm Trung Thu, chúng ta đã từng đến thật sớm, chọn vị trí gần nhất để có thể xem múa lân được chi tiết nhất. Thỉnh thoảng lại nghiêng đầu chỉ để nhìn lén những người phía trong con lân, hay vô cùng thích thú khi được xoa cái bụng tròn tròn, xinh xinh của ông địa. Chỉ như vậy thôi cũng đủ khiến bạn cười vui suốt cả đêm trăng Rằm.

  1. Phá cỗ:

Trong ngày tết Trung thu, các gia đình bày biện một mâm cỗ ngoài trời để cúng trăng và tế trời đất, cầu mong cho gia đạo bình an, hạnh phúc, cuộc sống sung túc, đủ đầy. Mâm cỗ bao gồm các loại bánh trung thu, bánh kẹo với hình dạng đáng yêu, ngộ nghĩnh, cùng các loại trái cây như na, bưởi, chuối, hồng, mía… được bày trí, cắt gọt khéo léo.

Ngày bé, ta đã từng háo hứng, chờ đợi để nghe từ “phá cỗ”, bởi khi nhận được “khẩu hiệu” này, đồng nghĩa với việc mẹ chia cho các loại bánh, kẹo có trong mâm cỗ. Và đặc biệt hơn hết, phải chăng bạn đã từng nghĩ rằng bánh kẹo khi phá cỗ sẽ ngon hơn bánh kẹo thường ngày?

  1. Bánh Trung Thu

Bánh nướng với vị mặn, ngọt kết hợp vừa đủ giữa các nguyên liệu như: lạp xưởng, hạt dưa, mè trắng,… trong nhân bánh và phần vỏ bánh thơm thơm. Bên cạnh đó, bánh dẻo ngọt, dai vô cùng “bắt miệng” là hai loại bánh cơ bản thường xuất hiện mỗi dịp thu về.

Thử thách lớn nhất trong rằm tháng tám có lẽ là việc nhìn mẹ cắt bánh, bởi lẽ nhìn những miếng bánh quyến rũ dường ấy cứ từ từ được mẹ mời ông, bà khiến bạn không thể kìm lòng. Để rồi bao nhiêu sự chờ đợi sẽ đều tan biến khi bạn ăn miếng bánh trung thu, cùng gia đình ngắm trăng, bất giác lại hát vu vơ những bài thiếu nhi quen thuộc.

 

Hình ảnh gia đình quây quần trong đêm Trung Thu hẳn là cái kết đẹp nhất cho dòng hồi ức hôm nay. Nhất Hương kính chúc các bạn có một mùa Trung Thu sum vầy, hạnh phúc bên gia đình và những người thân yêu.

Trần Phương Khanh